Thể loại: chính kịch
Đạo diễn: Lý Hải
Diễn viên: Thanh Hiền, Trương Minh Cường, Đinh Y Nhung, Quách Ngọc Tuyên, Trâm Anh, Trần Kim Hải.
Năm sản xuất: 2024
Nội dung phim
Chồng mất sớm, bà Hai một tay nuôi đàn con trưởng thành ở huyện nghèo Lạc Dương (Lâm Đồng). Lớn lên, mỗi người con rời tổ ấm, lập nghiệp nơi phương xa, chỉ còn con gái Ba Lành (Đinh Y Nhung) sống gần bà. Họ hiếm khi cùng về thăm mẹ, nên điều mong mỏi của bà Hai là một tấm ảnh chụp chung của đại gia đình.
Biến cố bắt đầu khi người mẹ 73 tuổi bị tai nạn gãy chân, phải ngồi xe lăn. Năm người con đùn đẩy nhau, bốc thăm để mỗi người chịu trách nhiệm chăm mẹ trong một tuần. Với cái chân đau, bà Hai đến thăm mỗi nhà, nhìn thấy lỗ hổng trong cuộc sống các con, vá lành nỗi đau cho họ. Nhưng người mẹ biết càng già, bà càng là gánh nặng của con cháu.
Đến thăm gia đình Tư Hậu (Quách Ngọc Tuyên) ở một làng chài miền Trung, bà chứng kiến cảnh con đặt cược mạng sống vì kế sinh nhai trong những lần ra khơi. Câu chuyện của vợ chồng Năm Thảo (Trâm Anh) là màn hài kịch ngay trước mắt mẹ. Vì mặc cảm nghèo khổ luôn bủa vây, họ dựng lên một cuộc sống giàu sang, vừa an ủi bản thân, vừa để bà Hai đỡ đau lòng.
Lý Hải không sa vào các chi tiết bi lụy để lấy nước mắt người xem. Xen kẽ phim là các tình huống gợi tiếng cười nhẹ nhàng, như cách vợ chồng Tư Hậu tự trào về gia cảnh bên mâm cơm với cá khô. Ở nhiều phân đoạn, đạo diễn tiết chế lời thoại, để hình ảnh tự lên tiếng theo phương pháp “show, don’t tell”. Một trong số đó là cảnh bà Hai mở chiếc hộp đựng kỷ vật của các con thời bé, rưng rưng nhìn bức tranh nguệch ngoạc vẽ các thành viên trong gia đình.
Các nhân vật đều có nỗi khổ tâm chất chứa hàng tháng, hàng năm trời, nhưng sau cùng được giải quyết trong chưa đầy vài ngày. Điều này thúc đẩy tầm quan trọng của bà Hai trong cuộc đời các con – một người mẹ “nói ít làm nhiều”, âm thầm giúp các con chữa lành những điều chưa lành trong cuộc sống. Đoạn kết quá tích cực của từng gia đình nhỏ và đại gia đình về sau vô tình khiến mạch truyện trôi qua quá im ắng, tĩnh lặng.
Bối cảnh và những hình ảnh chủ đạo trong phim
Đầu tư nhiều bối cảnh, đạo diễn nỗ lực lồng ghép những đặc trưng văn hóa, du lịch vùng miền vào từng câu chuyện. Ở cảng cá Mỹ Tân (Ninh Thuận), anh tái hiện các màn hát bội trong lễ hội ở lăng Thần Nam Hải, nhịp sống của làng chài miền Trung. Hình ảnh đồi chè bạt ngàn được giới thiệu khi bà Hai đến Bảo Lộc (Lâm Đồng) thăm con, hay đặc sản cà phê vợt của Sài Gòn. Tại làng K’Long K’Lanh, Lạc Dương, nơi nhân vật chính sống, đạo diễn dựng lên một cánh đồng hoa bất tử – hình ảnh chủ đạo của tác phẩm – trên phim trường.
Đánh giá
Ngay từ đầu, Lật Mặt 7: Một Điều Ước đã được xem là “đứa con út dị biệt” trong suốt chiều dài series Lật Mặt. Phim có những lần đầu tiên đáng chú ý, như lần đầu tiên không cháy nổ, không hành động, lần đầu tiên series Lật Mặt có nhân vật chính là nữ, lại còn là diễn viên gạo cội đã ở tuổi “xế chiều”. Chưa kể, đây còn là Lật Mặt có nhiều diễn viên tham gia nhất, với con số lên đến 50. Cho nên, Lý Hải chắc chắn bị “đè nén” bởi áp lực để tạo nên một kịch bản đủ sức nặng, chạm đến trái tim nhất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng điện ảnh.
Đây chắc chắn là phần phim Lật Mặt mà Lý Hải dồn nhiều tâm huyết để xây dựng kịch bản hơn cả, vì thứ “vũ khí hạng nặng” duy nhất của anh lần này chỉ có cảm xúc. Rất may mắn, vị đạo diễn U60 đã hoàn toàn khiến khán giả phải rơi lệ vì góc nhìn về tình mẹ con vô cùng chân phương, mộc mạc. Với vai trò “cha đẻ” bộ phim, Lý Hải không tránh khỏi lỗi vụn vặt và hạn chế, chỉn chu là có nhưng hoàn hảo thì chưa.
Trong phim, chẳng ai là “phản diện” hay xấu xa, nhưng cũng không ai là trong sạch hoàn toàn. Các nhân vật của Lật Mặt 7 chỉ là vì bản thân quá nhiều mà quên mất xung quanh, quên mất mình vẫn còn một người mẹ ngóng trông mình về.
Mỗi người với mỗi tính cách, ở mỗi nơi rải rác khắp Việt Nam nhưng vẫn kết nối đến lạ thường, không chỉ thông qua tình yêu mẹ mà còn là chung nhịp đập của lòng tốt.
- Chuyện Ma Gần Nhà – Những thế lực ma quỷ đằng sau chân dung cô gái bí ẩn
- Đoạt Hồn – những câu chuyện kỳ lạ từ cõi chết
Hoàng Anh
like